CHƯƠNG 67 – TÊN TRỘM LƯƠNG THIỆN
Tạ Lãm nửa tin nửa ngờ, ánh mắt hơi trầm xuống, quay sang nhìn Phùng Gia Ấu, cất tiếng hỏi:
“Ấu Nương, tên này lại bịa chuyện nữa phải không?”
Lạc Thanh Lưu là người của Từ Tông Hiến, chuyện này không cần phải nghi ngờ. Hắn biết rõ mối liên hệ giữa Lý Tự Tu và Từ Tông Hiến, thậm chí còn biết Tạ Lãm và Phùng Gia Ấu cũng đã phát hiện điều này.
Tạ Lãm hỏi tiếp:
“Từ đốc công không giết chúng ta diệt khẩu, lại còn tặng quà? Huống hồ manh mối này bọn họ đã ẩn nhẫn theo dõi suốt ba năm, giờ chỉ vì trả ơn lại mang ra nhường cho chúng ta sao?”
Phùng Gia Ấu khẽ nhíu mày, ngón tay tinh tế xoa xoa vành tai, suy tư:
“Không phải là không thể. Hắn chẳng nói đấy sao, Từ đốc công ân oán phân minh, không muốn thiếu nợ ai.”
Nếu đúng như vậy, suy đoán trước đó của Tạ Lãm hoàn toàn có cơ sở: Lý Tự Tu rất có thể là con ruột của Từ Tông Hiến. Cũng chỉ vì vậy mà ông ta không ngại dùng “đại lễ” này để hồi báo.
Tạ Lãm vẫn thấy khó hiểu:
“Nếu muốn cảm ơn, sao không nói thẳng, lại phải vòng vo để chúng ta không rõ chân tướng?”
Vừa nói xong, liền lấy sống đao vỗ nhẹ lên mặt Lạc Thanh Lưu: “Nói mau.”
Lạc Thanh Lưu bất lực cười khổ, hỏi ngược lại:
“Đại ca, thượng cấp giao việc có bao giờ giải thích lý do không?”
Tạ Lãm ngẫm lại thấy cũng phải, nhưng vẫn chẳng ưa, trừng mắt lườm Lạc Thanh Lưu, giọng đầy khinh bỉ:
“Ngươi lớn hơn ta mấy tuổi, ra vẻ trẻ trung làm gì?”
Lạc Thanh Lưu nghiêm túc đáp:
“Từ nhỏ cha ta đã dạy, ra giang hồ, kẻ nào hung hiểm hơn đều gọi là đại ca.”
Tạ Lãm nghẹn lời: “…” Thoáng nghĩ, câu này hình như chẳng sai.
Phùng Gia Ấu cân nhắc về nghi vấn của Tạ Lãm:
“Có lẽ ông ta không muốn công khai mối quan hệ với Lý đại nhân?”
Với những hiểu biết gần đây của nàng về Lý Tự Tu, Từ Tông Hiến làm vậy hẳn vì muốn thay con trai trả ơn, để con cảm thấy yên lòng. Như thế, sau này khi đối diện với Tạ Lãm, Lý Tự Tu sẽ không còn mặc cảm thấp kém.
“Tất nhiên, cũng chẳng loại trừ khả năng hắn lại đang nói dối.” Phùng Gia Ấu nhìn Lạc Thanh Lưu, ánh mắt vẫn đầy vẻ dò xét.
Người này hệt như con lươn trơn tuột, khó lòng nắm bắt.
Lạc Thanh Lưu yếu ớt rên lên:
“Máu ta sắp chảy cạn rồi, còn gạt gẫm gì được nữa?”
Hắn vẫn ngồi khoanh chân trên chỗ đánh xe ngựa, thân mình dựa ngả về sau, mắt lờ đờ vô hồn, trông như sắp chết đến nơi:
“Ta đây là nhân vật quan trọng của Thập Nhị Giám, chẳng phải hạng tử sĩ. Đốc công là thượng cấp của ta, chẳng phải chủ nhân. Với ta, chẳng gì quý hơn mạng sống.”
Phùng Gia Ấu trầm tư một lúc, rồi vỗ nhẹ lên cánh tay cầm đao của Tạ Lãm, dịu giọng bảo:
“Phu quân, tạm thời không thấy sơ hở nào, tha hắn trước đi.”
Chân tướng ra sao, hồi sau ắt rõ.
Tạ Lãm tra đao vào vỏ, nói:
“Ngươi có kim sang dược không? Nếu không thì vào lấy trong hộp binh khí của ta mà dùng.”
Lạc Thanh Lưu vội đáp:
“Có thì có, nhưng chắc không tốt bằng thuốc của huynh.”
Nói đoạn, hắn nhanh nhẹn bò vào xe, mở hộp binh khí, lấy ra một chai kim sang dược. Hắn dốc cả chai ra lòng bàn tay, rồi áp lên vết thương ở cổ, rát đến nỗi toàn thân hắn run bắn.
Tạ Lãm nhìn thấy mà giật mình, tiếc thuốc quý đứt ruột, song lại ngại Lạc Thanh Lưu chê hắn keo kiệt nên đành cắn răng nhẫn nhịn, không hé một lời.
Tay hắn siết chặt chuôi đao đến phát ra tiếng cọt kẹt, nghiến răng hỏi:
“Kẻ nuôi kỳ giông là ai?”
Biết trước thì phải ra tay trước, không thể để kẻ đó chiếm thế chủ động.
Lúc này, bờ sông đã chật ních người: quan binh Giang Châu Vệ, nha dịch phủ nha, dân làng từ mười dặm tám phương, cả đám thầy pháp…
Lạc Thanh Lưu áp tay trên cổ, thu lại vẻ uể oải trước đó, ánh mắt bỗng chốc trở nên lạnh lẽo: “Là tên ngỗ tác họ Diệp kia.”
“Ngỗ tác?” Tạ Lãm nhìn về phía người nọ. Y mặc áo dài xanh sẫm giản dị, đứng bên bờ sông, mặt hướng về ngọn núi thấp bên kia sông, ngẩng đầu nhìn gì đó, vẻ mặt trầm tư.
Y đứng không xa Tùy Anh và Thôi Tử Kiêu, cách chừng hơn mười bước.
Tạ Lãm hỏi: “Hắn biết võ không?”
Lạc Thanh Lưu lắc đầu: “Ta không rõ. Ta chỉ giám sát, chưa từng giao thủ với hắn.”
Tạ Lãm hỏi tiếp: “Ngươi từng thấy hắn cho kỳ giông ăn chưa?”
Lạc Thanh Lưu thản nhiên đáp: “Chưa từng thấy.”
Tạ Lãm chau mày: “Vậy làm sao ngươi biết là hắn?”
Lạc Thanh Lưu nhìn Phùng Gia Ấu: “Tạ phu nhân, cha của tên ngỗ tác này từng là thái y lệnh ở Thái Y Viện. Mười năm trước, vì tam hoàng tử chết yểu mà cha hắn bị tiên hoàng xử trảm. Hắn cũng bị đánh mấy chục trượng, rồi đày ra khỏi kinh thành. Bao nhiêu năm nay hắn ẩn mình làm ngỗ tác tại một huyện nhỏ trên đất phong của Hành Vương, cô nói xem là vì cái gì?”
Phùng Gia Ấu khẽ nheo mắt, bật thốt: “Hắn là Diệp Thích Chu?”
Người đã đi khỏi kinh thành mười năm mà nàng mở miệng là gọi tên rành rọt. Tạ Lãm nghe mà hoảng như chim sợ cành cong: “Đừng nói lại có liên hệ gì với nàng nữa nhé?”
Phùng Gia Ấu đáp gọn: “Không liên quan đến ta.” Nàng không còn tâm trạng đùa cợt với hắn nữa, “Nhưng có chút dính dáng đến Tùy Anh.”
Tổ tiên của Diệp Thích Chu mấy đời đều là thái y, cha hắn lại càng xuất sắc, còn trẻ đã làm đến chức thái y lệnh.
Mẹ của Tùy Anh khi mang thai nàng từng động thai khí, suýt chút nữa mất mạng ngoài thành. May mắn gặp cha của Diệp Thích Chu trên đường hồi kinh, được ông cứu sống.
Năm chín tuổi, Tùy Anh vào cung chơi, bị kẻ xấu đánh ngất rồi ném xuống hồ nước. Khi vớt lên, nàng chỉ còn thoi thóp chút hơi tàn. Vừa khéo khi đó cha của Diệp Thích Chu đang ở trong cung chữa bệnh cho Tam hoàng tử, liền tiện tay cứu luôn Tùy Anh.
Tuy hai nhà không môn đăng hộ đối, nhưng Trấn Quốc công cảm thấy Tùy Anh và nhà họ Diệp có duyên, liền định gả nàng cho Diệp Thích Chu.
Đáng tiếc, hôn sự còn chưa bàn bạc, Tam hoàng tử đột ngột chết yểu, trên dưới Thái Y Viện gánh tai họa lớn, bị tiên đế trong cơn giận dữ xử trảm không ít người, bao gồm cả vị thái y lệnh.
May mắn không liên lụy đến gia quyến, chỉ bị tịch thu tài sản và đuổi khỏi kinh thành.
Hôn sự đương nhiên không thành, từ đó cũng không nghe thêm chút tin tức nào về Diệp Thích Chu.
Vì chuyện này mà Tùy Anh bất hòa với tổ phụ (ông nội) nàng, đến giờ vẫn còn khúc mắc trong lòng.
Tùy Anh chưa từng gặp Diệp Thích Chu, càng cảm thấy kiểu hôn nhân để trả ơn này thật nực cười, lúc đó nàng vốn không muốn tiếp nhận.
Khi nhà họ Diệp gặp nạn, quan lại trong triều đều e dè hoạn đảng gian nịnh, không dám lên tiếng cũng là lẽ thường.
Song tổ phụ của nàng lại từ đầu chí cuối chẳng hề thỉnh cầu một lời nào cho Diệp thái y. Sau khi Diệp Thích Chu bị trục xuất khỏi kinh thành, ông càng không ra tay trợ giúp. Sự lạnh nhạt để tránh nghi ngờ ấy khiến Tùy Anh khó lòng chấp nhận.
Phùng Gia Ấu hiểu được, nàng cảm thông cho Trấn Quốc công phải giữ mình dưới ách đế vương hồ đồ, đồng thời cũng thấu được nỗi thất vọng của Tùy Anh đối với vị anh hùng mà nàng ấy từng kính ngưỡng.
“Nếu ngỗ tác này đúng là Diệp Thích Chu, thì khả năng hắn nuôi kỳ giông quả là rất lớn.”
Phùng Gia Ấu kéo tay Tạ Lãm, khẽ nói:
“Phu quân, giờ chi bằng tin là thật, ta sợ hắn đã nghi ngờ rồi. Trước tiên chúng ta cứ làm như chẳng hay biết, bước đến gần Tùy Anh rồi thì chàng ra tay khống chế hắn…”
Tạ Lãm không đồng ý:
“Nàng ở lại đây, để ta tự mình áp giải ngỗ tác kia đến.”
Hắn liếc mắt nhìn Lạc Thanh Lưu, trong lòng cân nhắc nơi nào an toàn hơn:
“Nếu gã ngỗ tác thật sự là kẻ nuôi dưỡng, hắn có thể dùng cổ trùng trong thân thể kỳ giông để lập tức gọi nó lên hại người. Kỳ giông tuy ăn thịt thối, nhưng không có nghĩa nó không làm người bị thương. Không thể để hắn ở lại bên bờ sông.”
Phùng Gia Ấu gật đầu đồng tình. Nàng chẳng am tường mấy chuyện này nên đương nhiên nghe theo lời Tạ Lãm:
“Nhưng tình hình chưa rõ, trước mắt không nên làm tổn thương hắn.”
“Được.”
“Võ công của hắn không cao, nhưng chàng cũng phải cẩn thận.” Chuyện dùng cổ độc, Phùng Gia Ấu nghĩ đến đã thấy rùng mình.
“Ta biết rồi.” Tạ Lãm gật đầu đáp ứng, nhưng kỳ thực không để tâm. Tốc độ hạ cổ của người kia làm sao nhanh hơn đao của hắn được?
Nhưng bây giờ hắn đã lĩnh hội được: bất kể Phùng Gia Ấu dặn dò điều gì, ít phản bác, bớt giải thích, chỉ thuận theo nàng mà đồng ý là hay nhất. Làm vậy sẽ khiến nàng an tâm hơn nhiều so với việc kể ra hắn tài giỏi thế nào.
Phùng Gia Ấu chỉ thuận miệng dặn dò vài câu vậy thôi. Nàng giờ đã không còn như trước, lúc nào cũng lo lắng sợ Tạ Lãm xúc động liều lĩnh mà gây họa, thậm chí còn hận không thể luôn ở bên cạnh để trông chừng hắn.
Trải qua những ngày cùng chung hoạn nạn, nàng hiểu hắn nhiều hơn, hai người dần hình thành sự ăn ý sâu sắc.
Nghĩ lại trước đây, nàng cho rằng tình cảm giữa mình và Tạ Lãm không đủ sâu đậm vì thiếu những khoảnh khắc cận kề ân ái, luôn muốn tìm cách kéo hắn lên giường. Nay nàng mới nhận ra mình đã quá nông cạn khi nghĩ về tình yêu nam nữ như vậy.
Thì ra, tình sâu ý đậm mới càng khiến người ta khao khát muốn làm những điều “nông cạn” ấy.
…
Tùy Anh luôn để mắt tới họ, thấy Tạ Lãm quay lại một mình liền hiếu kỳ hỏi:
“Tên trộm kia có biết điều gì không?”
Mọi người vẫn đang bàn luận xem kỳ giông là do ai nuôi, Phùng Gia Ấu đột nhiên quay về bên xe ngựa, trong khi Tạ Lãm lại cứa gã kia một đao, chỉ nhìn qua cũng biết có điều khuất tất.
Thôi Tử Kiêu vừa mới dặn dò thủ hạ:
“Tạ thiên hộ, ta đã sai người đi tìm thịt thối rồi. Thịt càng thối rữa càng tốt, để thử xem có thể nhử được kỳ giông từ dưới nước lên hay không.”
Tạ Lãm chẳng nói lời nào, chậm rãi tiến đến, bỗng dưng rút đao chuyển hướng, thân ảnh phi nhanh, đáp xuống ngay cạnh ngỗ tác, lưỡi đao dính máu đã kề ngay cổ hắn!
Lưỡi đao lạnh kề sát, ngỗ tác cứng người, quay đầu nhìn, thấy là Tạ Lãm thì ngơ ngác.
Tạ Lãm dò xét:
“Quả nhiên không đơn giản, gặp tập kích mà vẫn bình tĩnh như vậy?”
Ngỗ tác định cúi người hành lễ, nhưng bị lưỡi đao chặn lại, không thể động đậy:
“Người không bình tĩnh, làm sao làm được ngỗ tác?”
“Tạ thiên hộ, đây là chuyện gì?” Thôi Tử Kiêu bước lên. Ngỗ tác vốn là người của phủ Tế Nam, y không thể để Tạ Lãm muốn làm gì thì làm.
Tạ Lãm chẳng buồn đáp lời, chỉ hỏi ngỗ tác: “Kỳ giông trong sông là ngươi nuôi phải không?”
Ngỗ tác như chậm một nhịp, mãi sau mới hiện vẻ kinh ngạc: “Đại nhân sao lại nghi ngờ ta?”
Tạ Lãm gằn giọng: “Ngươi tên thật là Diệp Thích Chu đúng không?”
Hắn vừa dứt lời, toàn thân ngỗ tác cứng đờ.
Tùy Anh vừa bước tới gần hóng chuyện, nghe cái tên ấy cũng sững sờ tại chỗ.
“Nếu phải thì sao?” Diệp Thích Chu dần buông lỏng, thừa nhận, rồi ngẩng đầu nhìn thẳng Tạ Lãm, “Đại nhân, tiên đế chỉ cấm con cháu họ Diệp không được hành nghề y, chứ nào có nói không được làm ngỗ tác?”
Tạ Lãm nhíu mày: “Thiên hạ rộng lớn như vậy, vì cớ gì ngươi lại chọn làm ngỗ tác trên đất phong của Hành Vương?”
Diệp Thích Chu bất đắc dĩ đáp: “Hành Vương đến phủ Tế Nam năm năm trước, còn ta đến đây từ mười năm trước rồi.”
Thôi Tử Kiêu chợt nhớ ra: “Nhưng ngươi mới vào nha môn huyện cách đây ba năm, trước đó ngươi ở đâu?”
Diệp Thích Chu mím môi im lặng hồi lâu không đáp.
Tạ Lãm định hỏi mười năm trước khi sau khi bị trục xuất khỏi kinh thành, Diệp Thích Chu có phải được phò mã thu nhận hay không. Nhưng ngại có người ngoài, hắn đành tạm gác lại, tính áp giải Diệp Thích Chu qua để Phùng Gia Ấu thẩm vấn.
Không ngờ, Diệp Thích Chu bỗng lên tiếng: “Thiên hộ đại nhân, ta có cách chứng minh mình trong sạch.”
Tạ Lãm khựng lại: “Ồ?”
Diệp Thích Chu đưa mắt liếc qua Tùy Anh và Thôi Tử Kiêu: “Đại nhân dám lại gần mà nghe không?”
Tạ Lãm nào có sợ gì, dù có bẫy cũng không ngại. Hắn xoay ngược tay cầm kiếm, bước vài bước đến gần.
Diệp Thích Chu lấy tay che miệng, thì thầm mấy câu với hắn.
Từ xa, Phùng Gia Ấu thấy Tạ Lãm cúi đầu nghe ngóng, trong lòng không khỏi căng thẳng.
Rồi lại thấy Tạ Lãm nghe xong lập tức thu đao, động tác liền mạch không chút do dự.
Nàng ngờ vực nhìn Tạ Lãm bước trở lại: “Hắn nói gì với chàng vậy?”
“Diệp Thích Chu không phải người nuôi.” Tạ Lãm khẳng định chắc nịch, kéo Phùng Gia Ấu qua một bên, ghé tai nói nhỏ: “Mười năm trước, sau khi rời kinh, hắn được một lang trung giang hồ từng có giao tình với cha hắn thu nhận.”
“Lang trung giang hồ?” Phùng Gia Ấu lẩm bẩm.
Chợt nhớ ra, ở phủ Tế Nam chẳng phải có một vị lang trung ẩn cư sao? Vị này trước kia từng là thành viên cốt cán của Hội Đồng Minh, đã giúp Phùng Hiếu An giải trừ xích lưu kim.
“Diệp Thích Chu nói, sư phụ hắn đã nhận được thư của nhị thúc, trong đó nhờ ông ấy bắt mạch xem bệnh cho nàng. Lát nữa chúng ta đến huyện Tu Trúc, Diệp Thích Chu chính là người phụ trách tiếp đón chúng ta.”
Tạ Lãm không còn lý do nào để nghi ngờ nữa, hoài nghi hắn chẳng khác nào nghi ngờ nhị thúc: “Nhị thúc đã đích thân kiểm chứng, khả năng có vấn đề gần như không còn.”
Phùng Gia Ấu dù không ưa Phùng Hiếu An, nhưng cũng tin vào khả năng phán đoán của ông. Nàng ngoảnh lại nhìn Lạc Thanh Lưu, nói: “Có thể loại trừ Diệp Thích Chu rồi.”
“Vì sao?” Lạc Thanh Lưu ngồi thẳng dậy, ánh mắt đầy hoang mang, “Ngoài hắn ra thì còn ai được nữa?”
Phùng Gia Ấu không đáp lại mà hỏi ngược: “Ngươi chẳng có kẻ nào khác để nghi ngờ sao?”
Lạc Thanh Lưu cố chấp đáp: “Không ai đáng nghi hơn Diệp Thích Chu. Sư phụ hắn giao du với nhiều người hành tung lén lút, ta thấy họ đều là nghịch đảng Hội Đồng Minh.”
Phùng Gia Ấu: “……” Lời này chẳng phải vô căn cứ.
Nàng nói: “Ta nói cho ngươi hay, Hội Đồng Minh không phải nghịch đảng, hơn nữa đã giải tán từ mười mấy năm trước rồi. Đám sát thủ dưới phò mã chẳng qua là mượn danh nghĩa Hội Đồng Minh mà thôi.”
Lạc Thanh Lưu: “Dẫu sao đi nữa, Diệp Thích Chu hắn……”
Phùng Gia Ấu nhìn thẳng, ánh mắt như đuốc: “Ngươi và Diệp Thích Chu có thù riêng gì à? Sao lại kích động đến thế, nhất quyết chụp cái mũ này lên đầu hắn?”
Lạc Thanh Lưu vốn đang lấy tay che cổ, nghe vậy hậm hực hạ tay xuống, vết thương vừa bôi thuốc lại bắt đầu rỉ máu.
“Ta……” Lạc Thanh Lưu thu người, ngả người vào vách xe, “Ta đã theo dõi manh mối này ba năm, giờ cô bảo ta theo sai hướng, ta không chịu nổi.”
Phùng Gia Ấu biết mọi việc không đơn giản như vậy. Nhưng từ việc này có thể chứng minh, những năm qua Lạc Thanh Lưu quả thực đã điều tra tại phủ Tế Nam, chứ chẳng phải ở đây nuôi dưỡng kỳ giông.
*
“Các hạ thực sự là Diệp Thích Chu?” Tại bờ sông, Tùy Anh chăm chú dò xét hắn.
Diệp Thích Chu vẫn giữ thái độ cũ, khẽ cúi đầu: “Đúng vậy, Tùy tiểu thư.”
Tùy Anh “ồ” một tiếng, gật gật đầu, chẳng biết nói gì, cuối cùng chọn không nói. Năm xưa hai người chưa từng đínhước, giữa họ vốn không có gì ràng buộc, chẳng khác gì người xa lạ.
Nàng nhìn Phùng Gia Ấu và Tạ Lãm bước đến gần, bèn tiến lên vài bước nghênh đón: “Bây giờ tính sao?”
Trên đường đi qua, ánh mắt Phùng Gia Ấu lướt qua lại giữa Tùy Anh và Diệp Thích Chu, lòng nghĩ đến lời của Trấn Quốc Công năm xưa, rằng Tùy Anh và hắn quả thực có duyên phận sâu đậm.
Diệp Thích Chu đến phủ Tế Nam trước, Hằng Vương và vương phi sau đó mới tới, Tùy Anh cũng thường xuyên đến để thăm biểu tỷ, giờ họ lại trùng phùng nơi đây.
Thu lại suy nghĩ, Phùng Gia Ấu nói: “Tạm thời chưa tìm ra kẻ nuôi dưỡng. Chuẩn bị xong thịt thối rồi sẽ tiến hành dẫn dụ kỳ giông ra trước.”
Nhất định phải dụ ra, bởi con kỳ giông này có cổ trùng trong cơ thể, thân hình biến dị, rõ ràng đã thành quái vật.
Trước đây có người cho nó ăn thịt thối, nó không quan tâm đến việc ăn thịt người. Nhưng khi bị cắt đứt nguồn thức ăn, bụng đói đến mức cùng cực, e rằng chẳng phân biệt chay mặn, trở thành đại họa khó lường.
Nàng chỉ về phía dân làng Triệu gia thôn bên cạnh tế đàn: “Phải đợi họ rời bờ sông mới có thể dẫn dụ.”
*
Lúc này, lại có thêm mấy kẻ mạo danh thầy phép đến, dân làng dường như đã bị thuyết phục, tin rằng bóng rồng trên sông Tế không phải Long Vương mà là Long Nữ. Mặc kệ sự ngăn cản của trưởng thôn, họ chuẩn bị thả con gái của thợ đá, vốn chuẩn bị làm vật tế, ra khỏi lồng.
Triệu trưởng thôn giận dữ: “Các ngươi điên rồi sao? Lời thầy pháp giang hồ nói nhảm mà cũng tin? Hơn nữa nhiều thầy pháp cùng xuất hiện một lúc như vậy, rõ ràng là do quan phủ sắp đặt!”
Một dân làng nói: “Trưởng thôn, sao ngài nhất quyết không tin? Là vì tiếc con trai mình, hay nhất định phải hại chết con gái thợ đá?”
Một dân làng khác tiếp lời: “Ta nhớ không lâu trước đây, con trai ông từng trêu ghẹo con gái thợ đá, bị ông ấy đánh một trận. Ông không phải vì thế mà ghi hận chứ?”
*
“Không đợi nữa.” Thôi Tử Kiêu không đồng tình, “Họ phải tận mắt thấy kỳ giông xuất hiện thì truyền thuyết ‘bóng rồng sông Tế’ mới được phá bỏ, vương gia mới an toàn.”
Phùng Gia Ấu sao lại không biết lý lẽ ấy: “Ta thấy ngài đã chuẩn bị lồng, chẳng phải định bắt sống sao? Bắt được chẳng phải là chứng cứ? Hoặc sau khi tiêu diệt, thi thể nó cũng là chứng cứ.”
Thôi Tử Kiêu đáp: “Ai biết bản lĩnh kỳ giông ra sao, vạn nhất nó chạy thoát, không chịu xuất hiện nữa thì sao?”
Phùng Gia Ấu: “Nhưng nó có thể lên bờ, nếu không kiểm soát được, cắn chết dân làng…”
Thôi Tử Kiêu ngắt lời: “Tế Châu Vệ chúng ta có mặt đông đủ, sao có thể không khống chế nổi một con cá? Dẫu nó to thế nào, chẳng qua cũng là con cá thôi. Hơn nữa, đâu phải chúng ta xúi bọn dân ngu muội này tụ tập ở đây? Bọn chúng muốn dâng người sống làm vật tế, thật sự bị ‘long ảnh’ ăn mất thì cũng là bọn chúng đáng tội.”
Trước đó không dám động thủ với dân làng là sợ sự việc ầm ĩ, giờ đã biết “Long ảnh” chỉ là con cá quái vật, nên không cần kiêng dè.
Tùy Anh tức giận: “Thôi tướng quân ngài nói thế là sao? Dẫu họ đáng đời, nhưng đâu phải toàn bộ đều đáng. Trong dân làng còn trẻ con, còn những người phản đối lễ hiến tế, và cả cô gái vật hiến tế kia, họ có sai đâu, bị cắn chết ngài có chịu trách nhiệm không?”
Thôi Tử Kiêu: “……”
Thầm nghĩ đàn bà chung quy vẫn là đàn bà, thông tuệ như Phùng Gia Ấu cũng không thoát khỏi lòng dạ đàn bà mềm yếu.
Thôi Tử Kiêu nhìn sang Tạ Lãm, muốn dò phản ứng của hắn. Dù sao Tùy Anh có mắng gì cũng vô dụng, chỉ có Tạ Lãm mới đủ tư cách buộc tội y.
Nhưng Tạ Lãm tựa như không nghe thấy tranh cãi gì, đứng lặng bên bờ sông, nhắm mắt như đang cảm nhận gió sông.
Thôi Tử Kiêu càng nhìn càng cảm thấy kẻ này chỉ là con rối Phùng Gia Ấu dựng lên để tham chính.
Chưa kịp khinh bỉ thêm, Tạ Lãm bỗng mở mắt quát lớn một chữ: “Chạy!”
Lời còn vang vọng, hắn đã lao đến bên Phùng Gia Ấu, bế ngang nàng lên, nhảy khỏi bờ sông.
Tùy Anh không chút nghi ngờ phán đoán của Tạ Lãm, thấy Diệp Thích Chu chưa kịp phản ứng, lại không biết võ công, liền vác hắn chạy theo.
Thôi Tử Kiêu đứng ngây tại chỗ, sững người trong giây lát rồi mới rút đao ra.
Dưới sông vang lên vài tiếng ục ục, y cũng hiểu ra, vừa lùi vừa quát lớn với Tế Châu Vệ: “Thứ đó đến rồi, đề phòng!”
Phùng Gia Ấu hoảng hốt, nằm trên vai Tạ Lãm nhìn lại. Một cái nhìn thôi mà khiến nàng hít sâu một hơi, nghẹn cứng trong lồng ngực, mãi chẳng thở ra nổi.
Nàng chưa từng thấy con gì lớn như vậy. Thân đen kịt, có tứ chi với móng vuốt sắc nhọn, uốn lượn trong nước, thật khó mà không nghĩ đó là rồng.
Nhưng khi nó lên bờ, lại dễ nhận ra đó chẳng phải rồng, rõ ràng là kỳ giông. Dẫu vậy, ngoài thân hình khổng lồ, nó còn mọc đầy răng nanh sắc nhọn, đến mức miệng chẳng khép lại nổi, trông như một con quái vật đáng sợ.
Không cần dụ dỗ, nó đã tự đến, từ dưới nước hung hãn lao lên, đổ bộ ngay nơi họ vừa đứng bên bờ, rõ ràng là bị kẻ nuôi dưỡng điều khiển.
Kỳ giông này được nuôi để tạo thế cho Hành Vương, nay bỗng nhiên lộ diện, kẻ nuôi dưỡng vì tức giận mà làm càng chăng?
Tạ Lãm bế Phùng Gia Ấu đến cạnh chiếc xe ngựa ven đường, rồi ngoảnh lại nhìn con quái khổng lồ đã bò lên bờ.
Phùng Gia Ấu bị hắn ôm chặt trong lòng, xoay đầu nhìn về phía ghế điều khiển xe, thấy Lạc Thanh Lưu đang kinh hãi nhìn con quái, liền hỏi: “Chẳng phải ngươi từng dẫn dụ nó ra à, sao lại kinh hoảng thế này?”
Lạc Thanh Lưu đáp: “Ta chưa từng thấy nó bò lên bờ bao giờ”
Từ tế đàn phía kia, dân làng cuống cuồng la hét.
“Long nữ hiện thân sao?”
“Long nữ gì chứ, là quái vật, quái vật đấy!”
Dân làng bắt đầu chạy tán loạn về thôn, vì đứng chen chúc nên không ít người bị xô ngã. May sao xung quanh đều có binh lính Tế Châu Vệ đứng sẵn bảo vệ.
Phân nửa binh lính hộ tống dân làng rút lui, nửa còn lại tiến về phía Thôi Tử Kiêu.
Họ giương cung lắp tên, theo lệnh của Thôi Tử Kiêu, bắn một trận mưa tên về phía con kỳ giông, song chỉ vài mũi xuyên được vào da nó.
Thôi Tử Kiêu quát: “Nhắm vào mắt nó!”
Nhìn binh lính Tế Châu Vệ đối phó với con kỳ giông, Lạc Thanh Lưu vội thúc giục: “Tạ thiên hộ, huynh không muốn lập công nữa sao? Đứng ngây làm gì, mau lên đi!”
Tạ Lãm dõi mắt nhìn chiến sự phía trước, tay nhẹ nhàng vuốt chuôi đao: “Không vội, cứ chờ thêm. Cổ độc không chết, kỳ giông này cũng chẳng thể chết. Họ không đối phó được đâu. Điều quan trọng là tìm ra kẻ nuôi nó đang trốn ở đâu, bằng không ta e rằng đây lại là kế điệu hổ ly sơn.”
Hắn thực sự e ngại chiêu điệu hổ này, lo rằng hắn vừa rời đi, kẻ nuôi dưỡng kia sẽ điều khiển kỳ giông lao thẳng đến Phùng Gia Ấu.
Công trạng chỉ là thứ yếu, an nguy của Phùng Gia Ấu mới là hàng đầu.
Huống chi, không có nàng, công trạng đối với hắn còn nghĩa lý gì đâu?
Phùng Gia Ấu gật đầu đồng tình: “Nếu cái gọi là ‘bóng rồng sông Tế’ này quả do phò mã bày ra, nay bị buộc lộ diện, rất có thể người nuôi đã đổi mục đích, dùng nó để đoạt sổ sách của chúng ta.”
Nghe nàng phân tích vậy, Tạ Lãm càng không dám hành động hấp tấp.
Lạc Thanh Lưu thở dài liên hồi: “Ta nói là Diệp Thích Chu, các người không tin, vậy thì tự mình tìm đi.”
Phùng Gia Ấu cau mày hỏi: “Rốt cuộc ngươi có hiềm khích gì với Diệp Thích Chu vậy?”
Cho dù nghi ngờ của Lạc Thanh Lưu là đúng, Diệp Thích Chu có liên quan đến Hội Đồng Minh, nhưng rõ ràng trong lời nói của hắn vẫn chất chứa nhiều oán hận cá nhân.
Lạc Thanh Lưu khoanh chân ngồi lại, đưa tay vuốt đuôi ngựa phía trước: “Ta với hắn có thể có hiềm khích gì?”
Phùng Gia Ấu biết chắc chắn có hiềm khích. Nàng chọn lúc này để hỏi không phải vì hiếu kỳ, mà vì qua hiềm khích giữa hai người, nàng có thể phán đoán, Lạc Thanh Lưu và Diệp Thích Chu ai đáng tin cậy hơn.
Phùng Hiếu An đâu phải toàn năng, có khi ông cũng nhìn nhầm người.
Phùng Gia Ấu hỏi tiếp: “Vậy ngươi có hiềm khích với Tùy Anh sao?”
Tay Lạc Thanh Lưu khựng lại, giật mạnh đuôi ngựa: “Ta chỉ là một mật thám của Thập Nhị Giám, làm sao mà dính líu gì đến tiểu thư phủ Trấn Quốc Công?”
“Thật không có dính líu?” Phùng Gia Ấu nhướng mày, “Ngươi đã là người của Từ đốc công, tới phủ Tế Nam điều tra, cớ sao lại đi trộm ngọc bội mà mẫu thân Tùy Anh để lại cho nàng ấy?”
Nghe hai chữ “ngọc bội,” Lạc Thanh Lưu rõ ràng giật mình: “Ta xuất thân trộm cắp, đó là nghề tổ truyền. Sau này mới đầu quân cho Từ đốc công, còn trước đó, những điều ta kể đều là thật.”
Phùng Gia Ấu nheo mắt: “Ồ? Đều thật à? Nhưng trước đó ngươi cũng nói gia quy của các ngươi là có người thuê mới làm. Vậy ai thuê ngươi trộm ngọc bội của Tùy Anh?”
Lạc Thanh Lưu cứng họng: “Ta…”
Tạ Lãm mắt nhìn chiến sự, tai vẫn không bỏ sót cuộc trò chuyện: “Hắn còn trộm cả ngọc bội của Tùy Anh sao?”
Phùng Gia Ấu gật đầu: “Chẳng phải vậy sao? Vừa gặp Tùy Anh thì trốn kỹ, sợ bị nàng nhận ra, chắc hẳn trước đây có ân oán!”
Sắc mặt nàng đột nhiên trầm xuống: “Phu quân, chém hắn thêm một đao nữa!”
Lạc Thanh Lưu hoảng hốt lăn xuống khỏi xe ngựa, chạy vòng qua bên kia, run rẩy kêu lên: “Đại ca, đại ca, có gì từ từ nói! Ta không có ác ý với Tùy Anh. Trên đời này không ai mong nàng sống tốt hơn ta!”
Phùng Gia Ấu thoáng ngẩn ra.
Lạc Thanh Lưu cúi đầu, ánh mắt buồn bã: “Thật đấy. Nàng phải sống tốt, bằng không ta sẽ cực kỳ tiếc hận.”
Tiếc hận? Ý hắn là gì?
Như thể mạng sống của Tùy Anh là do hắn dùng bảo vật gì đổi lại?
Phùng Gia Ấu chau mày, ngẫm nghĩ một lát, đôi mắt hạnh chậm rãi mở lớn, không giấu được vẻ kinh ngạc.
Giọng nàng trở nên mềm mại hơn: “Mười năm trước, khi còn là kẻ trộm, có phải huynh từng vào hoàng cung?”
Năm ấy Tùy Anh ngã xuống nước, hôn mê bất tỉnh. Có người đã vớt nàng lên bờ, đặt trên bờ hồ. Nhưng công lao này không ai đứng ra nhận.
“Có phải khi huynh tình cờ ngang qua, đã vớt nàng lên? Cũng vì chuyện đó mà huynh bị bại lộ, bị Thập Nhị Giám bắt giữ, mất đi…ừm, tự do, rồi trở thành mật thám của Thập Nhị Giám, làm việc cho Từ đốc công?”
Phùng Gia Ấu không nỡ nói thẳng, đành thay bằng chữ “tự do.”
Chỉ có như vậy mới giải thích được, vì sao hắn lại oán hận Diệp Thích Chu.
Hắn cứu được người, giữ lại một hơi thở, đợi Diệp thái y đến.
Kết quả hắn bị bắt, Trấn Quốc công lại gả Tùy Anh cho Diệp Thích Chu. Dẫu hôn sự không thành, Diệp Thích Chu sau này cũng thê thảm, nhưng lòng hắn vẫn mang oán hận.
Hắn tới phủ Tế Nam tiềm phục, có lẽ không phải do Từ Tông Hiến phái đi, mà tự nguyện xin đi.
Có thể vì biết đầu mối này liên quan đến Diệp Thích Chu, muốn tìm cơ hội bắt thóp hắn.
Cũng có thể vì biết Tùy Anh thường đến ở lại vương phủ.
Tóm lại, ba người họ lại lần nữa tụ hội cùng một nơi.
Phùng Gia Ấu thật muốn tin vào cái gọi là “duyên phận.”
Lạc Thanh Lưu ngẩng đầu, cách con ngựa nhìn Phùng Gia Ấu, ánh mắt đầy hoảng sợ hơn cả khi nhìn thấy kỳ giông: “Tạ phu nhân, cô có còn là người không vậy? Ta chỉ nói vài câu đơn giản mà cô đoán ra được từng ấy chuyện?”
Hắn quay sang Tạ Lãm, kinh hãi hỏi: “Huynh ở bên nàng cả ngày, thật sự không thấy sợ sao?”
Tạ Lãm nghĩ thầm: sợ chớ, hồi còn giả Tạ tài tử ngày nào ta cũng sợ, đồng thời cũng muốn chế nhạo Lạc Thanh Lưu: chuyện này liên quan gì đến ngươi?
Nhưng Tạ Lãm không nói ra, chỉ nhìn Lạc Thanh Lưu một cái, ánh mắt vốn chán ghét nay đổi thành tán thưởng: “Không ngờ ngươi lại là một kẻ trộm lương thiện.”
Năm ấy, Tùy Anh mới chỉ chín tuổi, hắn cứu nàng hẳn không phải vì tham sắc đẹp.
“Lời khen này ta không nhận.” Lạc Thanh Lưu người đầy máu me, yếu ớt tựa vào lưng ngựa, giọng nói uể oải, “Bởi đó chính là việc ta hối hận nhất, hối hận đến cùng cực.”
Hắn ngừng lại một chút, rồi tiếp tục: “Khi ấy ta mười bốn tuổi, vừa học thành nghề, lẻn vào hoàng cung là để đến ngục của Thập Nhị Giám, tìm tung tích một trưởng bối trong nhà bị mất tích…”
Khi đi ngang qua khu vườn lớn, hắn nhìn thấy một cô bé đang từ từ chìm xuống giữa hồ sen.
“Ta nhìn ra nàng vẫn còn thở, không nhẫn tâm được, bèn nhảy xuống cứu lên. Đúng như Tạ phu nhân nói, bởi vậy mà kinh động nội vệ…”
Lạc Thanh Lưu ngừng lại, dường như không muốn hồi tưởng thêm. Ký ức kia quá đỗi đen tối. Hắn bị bắt vào ngục của Thập Nhị Giám, chịu đủ mọi cực hình tàn bạo không lời nào kể xiết.
“Bọn chúng thấy ta còn giá trị lợi dụng, liền muốn ép ta khuất phục. Nhưng Thập Nhị Giám khi ấy chưa thuộc quyền quản lý của Từ đốc công, chỉ toàn làm những việc tàn sát trung lương. Dĩ nhiên ta không chịu cúi đầu. Cố chịu đựng thật lâu, khi không trụ nổi nữa, may sao gặp được Từ đốc công. Ông ấy là người tốt…”
Lạc Thanh Lưu không kể Từ đốc công tốt thế nào, chỉ từ trong ngực áo lấy ra một khối ngọc bội màu xanh biếc, rồi ném về phía Phùng Gia Ấu.
Tạ Lãm đưa tay đón lấy, rồi trao lại cho Phùng Gia Ấu.
Phùng Gia Ấu để ngọc bội trong lòng bàn tay xem xét, nhận ra ngay đây chính là khối ngọc mà Tùy Anh đã mất.
“Khi ta bị giam cầm, cha ta chết, ta còn không thể về thu liệm di thể cho ông.” Lạc Thanh Lưu đầy căm phẫn, “Vậy nên ta đã trộm đi miếng ngọc mẹ nàng để lại cho nàng, chỉ để nàng cũng phải khổ sở một chút. Đại ca, huynh nói xem, như thế có phải là rất công bằng không?”
—
Share truyện lên:
Có thể bạn sẽ thích: